Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, sân bay Phan Thiết sẽ bắt đầu thi công cuối tháng 3, hoàn thành vào năm 2022.

Thượng tướng Trần Đơn chốt mốc thời gian trên trong buổi làm việc giữa Bộ Quốc phòng với UBND tỉnh Bình Thuận về việc đẩy nhanh tiến độ dự án cảng hàng không Phan Thiết, chiều 5/3.


Thượng tướng Trần Đơn tại buổi làm việc với UBND Bình Thuận, ngày 5/3. Ảnh: Việt Quốc.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, sân bay Phan Thiết rộng 543 ha, gồm hạng mục sân bay quân sự cấp 1 kết hợp dân dụng cấp 4C. Hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần Rạng Đông đầu tư. Dự án được khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng sau đó án binh bất động.

Năm 2017, UBND Bình Thuận đề xuất nâng cấp sân bay Phan Thiết 4C lên cấp 4E, đường băng kéo dài từ 2.400 m lên 3.050 m. Đến tháng 2/2018, sân bay này được Thủ tướng phê duyệt là một trong 15 cảng hàng không nội địa trên toàn quốc có quy mô cấp 4E dân dụng kết hợp với sân bay quân sự cấp 1, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Thời gian qua, vấn đề vướng mắc lớn nhất tại dự án này là vốn đầu tư, nhưng nay đã được giải quyết. Theo Thượng tướng Trần Đơn, trước đây, Bộ Quốc phòng phải chờ đấu giá sân bay Nha Trang cũ để lấy nguồn vốn vào đầu tư sân bay Phan Thiết. Nhưng sau đó, Thủ tướng đồng ý đầu tư xây sân bay này bằng vốn ngân sách theo hình thức đầu tư công.

“Chính phủ đã giao nguồn vốn cho Bộ Quốc phòng, do đó việc xây dựng sân bay Phan Thiết sẽ sớm được triển khai”, Thượng tướng Trần Đơn nói. Nếu kịp tiến độ, sau 20 tháng, sân bay này sẽ hoạt động cùng với thời gian hoàn thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, năm 2022.

Do thay đổi quy hoạch nên dự án phải điều chỉnh một số thủ tục theo quy định. Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt.


Khu đất dự kiến xây dựng dự án sân bay Phan Thiết ở xã Thiện Nghiệp. Ảnh: Việt Quốc

Về công tác giải phóng mặt bằng gần như hoàn thành, hiện còn lại 3 hộ (khoảng 3,7 ha) chưa đồng ý di dời do không đồng ý giá bồi thường. Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND Bình Thuận chỉ đạo UBND TP Phan Thiết thuyết phục các hộ này để nhanh chóng giải phóng mặt bằng còn lại.

Chủ tịch UBND Bình Thuận yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng khảo sát thực địa các mỏ vật liệu tại địa phương để xác định trữ lượng, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty Cổ phần Rạng Đông – nhà đầu tư hạng mục dân dụng (BOT) cũng được Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Bình Thuận đề nghị khẩn trương hoàn tất hồ sơ điểu chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để kịp triển khai cùng hạng mục quân sự.

Theo quy hoạch hiện nay, đến năm 2030, cả nước có tổng cộng 28 cảng hàng không, trong đó có 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế. Sân bay Phan Thiết là một trong 6 cảng hàng không quốc nội ở khu vực phía Nam, cùng với Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá và Cà Mau.

Nguồn: VNExpress

Hotline 0969.34.9090
Brochure
TÀI LIỆU DỰ ÁN
TIẾN ĐỘ DỰ ÁN
Gọi ngay